Chùa Vĩnh Nghiêm - Ngôi chùa linh thiêng tại Sài Gòn
Chùa Vĩnh Nghiêm là công trình nổi tiếng, đặc trưng tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện đại. Nơi đây mang nét đẹp yên bình giữa Sài Gòn tấp nập, có không gian rộng rãi, đan xen giữa cổ kính và hiện đại. Chùa Vĩnh Nghiêm là điểm đến quen thuộc mà người dân địa phương cũng như khách du lịch thường xuyên ghé thăm. Hãy cùng VietAIR khám phá thêm về ngôi chùa nổi tiếng này nhé.
1. Giới thiệu chung về chùa Vĩnh Nghiêm
-
Địa chỉ: số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3 (gần cầu Công Lý và cách chợ Bến Thành 3.5km)
-
Giờ mở cửa: 7h - 21h hàng ngày
-
Giá vé vào: Miễn phí
Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1964 và hoàn thành vào năm 1971. Khuôn viên của chùa rộng hơn 6000m2, kiến trúc mái ngói cong vút với những đường chạm trổ tinh tế, tỉ mỉ. Chùa Vĩnh Nghiêm bao gồm 3 khu chính là Tam Quan, Tòa nhà trung tâm và các bảo tháp. Đây là nơi các phật tử, du khách thập phương đến tham quan, cầu khấn, dâng hương lễ Phật với mong muốn cầu bình an. Thời gian chùa đông đúc nhất là lúc lễ Tết và ngày rằm.
2. Kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm
Cổng Tam Quan
Cổng Tam Quan được xây dựng khá đồ sộ, quy mô lớn với thiết kế hình mái đỏ uốn cong như những ngôi chùa truyền thống khác. Hai câu đối nằm ở hai bên cổng chùa được chạm trổ tỉ mỉ, tinh xảo và dòng chữ “Chùa Vĩnh Nghiêm” đầy uy nghiêm nằm ở phía trên. Từ đây, du khách sẽ ngắm nhìn được bao quát khung cảnh bên trong của chùa với khoảng sân rộng mênh mông.
Tòa nhà trung tâm
Tòa nhà trung tâm của chùa có thiết kế gồm một tầng lầu và một tầng trệt. Trong đó, tầng trệt bao gồm 2 phần: phần ngoài nằm bên dưới sân thượng cao 3,2m và phần trong nằm dưới Phật điện cao 4,2m. Không gian của tầng trệt được chia làm nhiều khu vực như: nhà thờ Tổ (bên trong có bàn thờ Bồ Đề Đạt Ma), giảng đường, thư viện, văn phòng, phòng tăng, lớp học và phòng học… Trước tòa trung tâm là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đồ sộ. Từ sân chùa, cầu thang 23 bậc dẫn lên tầng lầu của tòa bao gồm sân thượng, Phật điện và Tháp Quan Thế Âm. Sân thượng rộng khoảng 10m, phía tay phải có một gác chuông và treo một đại hồng chung được đúc từ năm 1971. Về cơ bản, chùa mang lối kiến trúc khá giống với những ngôi chùa truyền thống của miền Bắc.
Tháp Quan Thế Âm
Nằm ngay bên trái khi đi từ cổng chùa vào là tòa tháp cao 7 tầng cao khoảng 40m. Tháp Quan Thế Âm là một trong những ngôi tháp đồ sộ nhất Việt Nam. Trên đỉnh tháp có 9 bánh xe vòng tròn được gọi là Long xa và Quy châu.
Tháp Xá Lợi cộng đồng
Tháp Xá Lợi cộng đồng được xây thêm vào năm 1982 với 4 tầng cao 25m. Tòa tháp nằm ở bên trái tính từ cổng Tam quan vào. Đây là nơi để lọ đựng tro thi hài người đã khuất mà người nhà gửi ở chùa. Không chỉ vậy, tháp còn là nơi lưu giữ di cốt của các chư phật tử. Vì vậy, đa số người dân đến tháp đều có lòng tưởng nhớ, thăm viếng.
Tháp đá Vĩnh Nghiêm
Tháp đá Vĩnh Nghiêm nằm ở phía bên phải tính từ cổng Tam Quan vào. Tháp đá được xây dựng vào năm 2003 để tưởng nhớ 2 vị đã có công sáng lập lên ngôi chùa. Đây là công trình tháp đá đầu tiên tại miền Nam cũng như đứng trong danh sách những ngôi tháp đá lớn nhất Việt Nam với độ cao lên đến 14m.
3. Các hoạt động cộng đồng tại chùa Vĩnh Nghiêm
Hằng năm, chùa Vĩnh Nghiêm đều đặn tổ chức các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng như:
-
Nấu cơm từ thiện: mỗi ngày 500 suất cơm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo, người vô gia cư…
-
Tổ chức siêu thị 0 đồng với các phần quà bao gồm: 10kg gạo, 1 thùng mì, 1 chai dầu ăn, 1 chai nước tương.
Du khách có thể tham gia các hoạt động từ thiện vì cộng đồng ở chùa để có thêm trải nghiệm, tích công đức và góp phần giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
4. Lưu ý khi tham quan chùa Vĩnh Nghiêm
-
Nếu du khách đến dâng hương hãy mua lễ chay, không mua lễ mặn.
-
Mặc trang phục lịch sự, kín đáo, phù hợp khi đi chùa.
-
Khi chụp ảnh ở chùa du khách nên tạo dáng hợp lý, tránh nói cười, đùa cợt, to tiếng.
-
Khi đi lễ tại chùa nên hạn chế việc đốt vàng mã quá nhiều để giữ không khí thoáng đãng.
-
Khi đi qua cổng Tam Quan vào chùa bạn nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và sau đó đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Kiêng đi vào cửa Trung quan vì cửa này chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng.
Nếu có cơ hội ghé thăm Sài Gòn, bạn hãy dành thời gian đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm để tìm hiểu thêm về tín ngưỡng và con người nơi đây. Sự an yên, bình lặng giữa thành phố xô bồ sẽ giúp bạn cảm thấy lòng mình thanh tịnh và bình yên, như quên đi mọi mệt mỏi trong cuộc sống.
Để mua vé máy bay giá rẻ đi Sài Gòn vui lòng liên hệ VietAIR. Ngoài ra, khi mua vé máy bay tại VietAIR quý khách sẽ được hỗ trợ xử lý toàn bộ các vấn đề phát sinh (hoàn vé, hủy vé, đổi ngày bay…) theo quy định của từng hãng, miễn phí các dịch vụ bổ trợ khác.
Gọi ngay hotline 1900.1796 để được tư vấn miễn phí!