Đền Và - Địa Điểm Văn Hóa Tâm Linh Hấp Dẫn Tại Hà Nội
Xứ Đoài (Sơn Tây, Hà Nội) lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, trong đó có “tứ cung” là những ngôi đền thờ thần Tản Viên Sơn Thánh. Một trong tứ cung đó là đền Và, hay còn được gọi là Đông Cung. Du lịch đền Và có gì hấp dẫn? Cùng VietAIR tổng hợp những kinh nghiệm du lịch đền Và cực kỳ chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Đôi nét về Đền Và
Đền Và (hay còn được gọi là Đông Cung), là một ngôi đền - tứ trấn thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, tọa lạc trên đồi Vân Gia, thuộc phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ngôi đền được bao bọc bởi rừng cây lim cổ thụ và những cánh đồng xanh mướt, tạo nên một không gian trong lành và mát mẻ quanh năm. Vào năm 1964, Đền Và được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cũng là một danh thắng được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Tấm văn bia dựng vào năm Tự Đức thứ 36 (1883) có ghi lại lịch sử ra đời của nơi đây. Tương truyền rằng, Đền Và nằm trên một quả đồi thấp ven dòng sông Tích, là nơi Đức Thánh Tản Viên dừng chân nghỉ ngơi sau khi giúp dân khai sơn, trị thủy. Ngài thấy nơi đây là thắng địa, bèn lập hành cung đặt tên là Vân Già đông thần cung. Dân làng Vân Gia, dựa vào sự tích đám mây lành xuất hiện trên bầu trời quê mình, đã đặt tên làng là Vân Gia. Từ đó, dân làng làm ăn phát đạt, càng chăm sóc việc hương khói thờ phụng Thánh Tản.
Từ thế kỷ thứ 16 – 17 chỉ là ngôi đền được dựng bằng tranh tre, nứa lá. Đến thế kỷ thứ 18 thì được xây dựng như bây giờ. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, dân làng Vân Gia đã xây dựng thêm nhà tiền tế 5 gian. Nhà tiền tế này đã được tu sửa 3 lần: lần đầu năm 1829, lần thứ hai năm 1902 và lần thứ ba năm 1932. Theo thuyết phong thủy, khu đồi nơi đền tọa lạc có hình dáng con rùa (Kim Quy) đang bơi về phía mặt trời mọc. Khuôn viên đền rộng khoảng 2.000m², được bao quanh bằng tường đá ong cao hơn 2m.
Hướng dẫn di chuyển đến Đền Và
Đền Và cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 40km, đi bằng ôtô có thể mất từ 1 tiếng đến hơn 1 tiếng rưỡi. Từ trung tâm Hà Nội bạn có thể men theo đường Quốc lộ 32, sau đó rẽ vào đường Chùa Thông để đến với Vân Gia, nơi tọa lạc của Đền Và.
Lối kiến trúc của Đền Và
Không gian, quang cảnh
Bao quanh Đền Và là một rừng cây lim cổ thụ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ . Khu rừng này có khoảng 242 cây lim to, đường kính hơn 1m, phải 2 đến 3 người ôm mới xuể. Bức tường đá ong mang đậm nét kiến trúc xứ Đoài bao quanh đền có chiều cao hơn 2m, sẫm màu rêu phong. Đến đây, ai cũng cảm thấy lòng bình yên khi ngồi dưới gốc những cây lim già, ngắm dòng sông Tích lượn lờ và những cánh đồng lúa xanh ngút mắt.
Kiến trúc, bài trí
Đền có diện tích lên đến 2000m2, nằm trong quần thể có khuôn viên rộng lớn 8000m2, mang lối kiến trúc cổ đậm chất phương Đông.
Bên cạnh đền là những công trình kiến trúc nổi bật không kém như Nghi Môn, sân Long hoá, lầu Cô Chín, Gác Chuông, Gác Trống, Tả - Hữu mạc, Hậu Cung, Tiền Tế, Thượng Điện, nhà kho, nhà kiệu. Những công trình này đều được xây dựng từ các nguyên liệu quý hiếm như gạch đá ong, gỗ lim, gạch Bát Tràng, ngói mũi ri,... rất độc đáo.
Ngoài ra, bên trong đền còn trang trí bằng những đồ vật giá trị như bộ tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), tứ linh (long, lân, quy, phụng) và các bức khảm, bức chạm bong, chạm nổi,... được thực hiện bởi những nghệ nhân khéo tay nhất thôn Đoài.
Đi vào chi tiết, chúng ta có thể thấy một vài điểm đặc sắc của kiến trúc nơi đây như:
- Nghi môn: gồm 3 gian, gian giữa cao 4m80, hai gian bên cao 2m15. Nghi môn nơi đây đặc biệt hiếm gặp trong các kiến trúc truyền thống của Việt Nam bởi đặc điểm là ba hàng chân cột gỗ kê trên những tảng đá ong (cột cái cao 4m95, cột quân 3m80).
- Gác trống, gác chuông: phía ngoài cổng nghi môn có ba cửa rộng, hai bên là gác chuông, gác trống. Mặt hướng vào sân đền được trang trí theo chủ đề ngũ phúc bằng hình năm con dơi xòe cánh ôm lấy cửa sổ tròn.
- Nhà tiền tế và hậu cung: Toà Tiền tế và Hậu cung của đền nối với nhau qua nhà ống muống tạo thành mặt bằng tổng thể hình chữ “công”. Các mảng chạm trang trí trên các cấu kiện mang phong cách điêu khắc thế kỷ XIX, chủ yếu theo đề tài văn mây, lá lật, tứ linh... Một trong những điểm đáng chú ý là hệ thống kìm nóc của tòa Tiền tế, đây là những sản phẩm đất nung có niên đại Mạc, rất quý và ít khi thấy ở các di tích khác trên mảnh đất xứ Đoài. Ngoài kiến trúc chính, gian ngoài của hậu cung còn có 4 pho tượng gọi là Tứ thành trấn, mang tư thế đứng, tay cầm vũ khí cổ, bên ngoài khoác áo bào đỏ. Đây được cho là sự trấn ở xung quanh núi Ba Vì, nơi đặt đại bản doanh của Đức Quốc Mẫu và Tam vị Đức Thánh Tản.
Một số hiện vật còn lưu dấu
Đền Và không chỉ có giá trị về kiến trúc với những hoa văn chạm khắc mang dấu ấn tiêu biểu thời Mạc, mà còn lưu giữ được nhiều di vật khác cùng thời như khám thờ, bài vị và hệ thống y môn. Nơi đây vẫn còn lưu giữ:
- 5 bản thần tích Tản Viên Sơn Thánh.
- 18 đạo sắc phong của các đời vua.
- 47 đôi câu đối, 18 bức hoành phi.
- 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 tấm biển gỗ.
Những di vật này có giá trị minh chứng cho niên đại của ngôi đền, đồng thời cũng là các tác phẩm đẹp có giá trị truyền tải ước vọng của người dân, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử làng xã và nghệ thuật điêu khắc qua các thời.
Lễ hội tại Đền Và
Đến đây chúng ta cũng không thể bỏ qua Lễ hội Đền Và được tổ chức xuân thu nhị kỳ và định kỳ ba năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Lễ hội Đền Và được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng, nhưng từ ngày 13 tháng Giêng, nhân dân trong vùng đã lên đền làm lễ “tước thảo”, dọn dẹp vệ sinh xung quanh đền. Ngày 14 tháng Giêng, lễ “phong triều” được cử hành, tức là lễ mặc áo, đội mũ cho Đức Thánh ở trong hậu cung. Sau đó, cờ hội được dựng lên, cửa nghi môn được mở, chính thức khai hội. Và vào giờ Sửu ngày Rằm, các cụ sẽ làm lễ phụng nghinh rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản ra ngoài liệu chính.
Di tích Đền Và và lễ hội Đền Và có mối quan hệ mật thiết, đó là sự gắn kết giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Với những giá trị văn hóa lịch sử quý giá đó, ngày 19.1.2016, lễ hội Đền Và đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Còn chần chừ gì nữa mà không lên kế hoạch ngay cho mình một chuyến du lịch đến Hà Nội để có những trải nghiệm tâm linh tại ngôi Đền linh thiêng này.
Hãy liên hệ VietAIR để mua vé máy bay đi Hà Nội giá rẻ cũng như được hỗ trợ tư vấn về hành lý và thủ tục bay tận tình, chuyên nghiệp. Ngoài ra, khi mua vé máy bay tại VietAIR quý khách sẽ được hỗ trợ xử lý toàn bộ các vấn đề phát sinh (hoàn vé, hủy vé, đổi ngày bay…) theo quy định của từng hãng, miễn phí các dịch vụ bổ trợ khác.
Gọi ngay hotline 1900.1796 để được tư vấn miễn phí!