Kinh nghiệm du lịch Yên Tử, Quảng Ninh mới nhất 2025
Yên Tử là khu di tích văn hóa và tâm linh nổi tiếng tại tỉnh Quảng Ninh, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nếu có dịp tới thăm Quảng Ninh, ngoài vịnh Hạ Long, bạn hãy ghé qua Yên Tử để tìm hiểu về nét đẹp tôn giáo ngàn đời của người Việt nhé.
Giới thiệu chung về Khu du lịch Yên Tử, Quảng Ninh
Yên Tử (Yên Tử Sơn hay còn gọi là Núi Tượng Đầu) là một ngọn núi cao 1.068m nằm ở ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Yên Tử nổi tiếng với khách du lịch Việt Nam bởi có ngôi chùa thiêng gắn liền với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được mệnh danh là “đất tổ Phật Giáo ở Việt Nam”.
Núi Yên Tử có rất nhiều di tích văn hóa và các khu bảo tồn thiên nhiên. Quần thể di tích này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Thời gian thích hợp để đi Yên Tử
Bởi là một ngôi chùa thiêng, hàng năm có rất nhiều người đến đây lễ bái vào dịp hội chính: từ mùng 10 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Vào những ngày này, Yên Tử nườm nượp người đi lễ, tình trạng chen lấn, xô đẩy khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt, khó thở.
Chính vì vậy, nếu bạn chỉ định tới vãn cảnh chùa và thăm quan các di tích nơi đây thì nên tránh đi vào dịp đầu năm âm lịch. Vào khoảng thời gian từ giữa năm đến cuối năm, Yên Tử đích thực là chốn thanh tịnh, yên bình để bạn vãn cảnh.
Phương tiện và đường đi Yên Tử
Mỗi tỉnh thành sẽ có một cung đường tới Yên Tử khác nhau nhưng chủ yếu các du khách thập phương sẽ di chuyển từ Hà Nội. Vì vậy, trong bài viết này, VietAIR giới thiệu tới các bạn lộ trình đi từ Hà Nội đến Yên Tử.
Từ Hà Nội, bạn đi xe khách hoặc tự lái xe đến thành phố Uông Bí, Quảng Ninh (cách Hà Nội khoảng 125km) rồi rẽ vào đường Yên Tử, đi tiếp khoảng 9km thì đến núi Yên Tử. Trên đường đi sẽ có rất nhiều biển báo và chỉ đường vì đây là khu di tích nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh.
Để lên đỉnh núi Yên Tử bạn có 2 phương tiện:
- Đi bằng cáp treo: Yên Tử có hệ thống cáp treo thuộc top hiện đại nhất Việt Nam. Cáp treo dài 1,2 km và có độ cao 450m. Đi bằng cáp treo không nhưng không bị mệt mà còn có thể ngắm nhìn và chụp ảnh toàn bộ danh thắng từ trên cao.
- Đi bộ leo núi: Nhiều khách du lịch yêu trải nghiệm lại thích tự mình leo lên đỉnh núi để tận hưởng cảm giác chinh phục. Nếu đi bộ, bạn sẽ mất khoảng 6-8 tiếng nhưng bù lại bạn có thể tận mắt ngắm nhìn phong cảnh 2 bên đường, có thể dừng chân khi mỏi và chụp ảnh ở các di tích trên đường lên Yên Tử.
Hành trang cần chuẩn bị để đi Yên Tử
Trang phục: Yên Tử là đất Phật, bạn nên mặc quần áo dài, chỉn chu khi đến đây để thể hiện sự tôn trọng văn hóa tâm linh và tôn giáo của người Việt, dù bạn không có ý định vào cửa chùa và lễ chùa. Bởi đường đi khá xa, phải leo nhiều đoạn dốc nên bạn đừng mặc quần áo quá bó hoặc riêm rúa gây khó khăn trong việc đi lại. Vào mùa đông cần mặc đủ ấm vì lên đỉnh núi sẽ lạnh hơn.
Giày dép: Nên mang giày mềm, giày thể thao để tiện cho việc đi lại.
Balo: Nên mang theo balo nhỏ gọn để đựng một chút đồ ăn và nước uống dùng khi cần. Nếu bạn đi bộ thì cũng bắt gặp nhiều hàng quán nhỏ ven đường, có thể mua đồ ăn uống. Tất nhiên giá đồ ở khu du lịch sẽ đắt hơn giá bình thường một chút.
Tiền: Bạn chỉ nên mang tiền mặt đủ dùng cho 1 ngày đi Yên Tử, không nên mang nhiều quá để đề phòng kẻ gian.
Gậy: Nếu đi bộ thì bạn nên mua gậy dưới chân núi để giảm bớt trọng lượng vào chân, đi bộ sẽ đỡ mỏi hơn.
Những di tích nổi tiếng tại Yên Tử bạn nên đến
Suối Giải Oan: Tương truyền đây là nơi nhiều cung tần, mỹ nữ đã trẫm mình tự vẫn vì quá yêu vua Trần Nhân Tông - vị vua đã lên Yên Tử xuất gia tu hành và lập ra thiền phái Trúc Lâm. Khi cầu xin vua trở về triều đình không được, các phi tần đã tự vẫn ở suối này. Vua Trần Nhân Tông đã xây dựng đền thờ ở đây và đặt tên suối là Suối Giải Oan để tưởng nhớ đến tình cảm của họ.
Chùa Giải Oan: Là một trong 3 ngôi chùa chính của núi Yên Tử. Vì ở vị trí gần chân núi nhất, nó còn được gọi là chùa Hạ. Chùa gồm 5 gian và hậu cung, là nơi Vua Trần giải oan cho các phi tần đã tự vẫn vì ông. Đây là một ngôi chùa thanh tịnh với những khóm hoa loa kèn được trồng xung quanh. Bên cạnh chùa có tháp mộ vua Trần Nhân Tông và 2 vị sư được ông tôn kính nhất là sư Huyền Quang và sư Pháp Loa.
Chùa Hoa Yên: Hay còn có tên gọi khác là chùa Phù Vân, chùa Cả. Nơi đây có nhiều cây tùng cổ được vua Trần Nhân Tông trồng lúc ông còn sống và tu hành.
Chùa Bảo Sái: tương truyền đây là nơi Phật Hoàng nhập niết bàn.
Chùa Vân Tiêu: đây là nơi tu luyện của các vị tu sĩ.
Chùa Đồng: Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất của khu di tích Yên Tử. Chùa nằm ở đỉnh núi cao, được đúc hoàn toàn bằng đồng. Mặc dù chùa rất nhỏ, chỉ như một miếu thờ, chỉ có thể đặt lễ cúng bái, không thể bước vào nhưng lại được du khách thập phương hàng năm đến lễ bái rất nhiều vì nơi đây thờ đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni và 3 vị tổ thiền phái Trúc Lâm.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử: Đây là nơi các phật tử học tập và tu dưỡng. Bạn có thể tới đây tham quan để hiểu hơn về thiền phái do vua Trần Nhân Tông lập nên.
Ngoài ra, còn nhiều ngôi chùa đẹp khác trong quần thể di tích Yên Tử như: chùa Trình, chùa Một mái, Tháp Huệ Quang, An Kỳ SInh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Dịch vụ ăn nghỉ tại Yên Tử
Ở xung quanh khu du lịch Yên Tử có khá nhiều nhà hàng, nhưng nếu bạn chọn leo bộ lên đỉnh thì bạn có thể dừng chân tại chùa Hoa Yên. Ở đây cung cấp chỗ nghỉ chân và dịch vụ ăn uống cho cả cá nhân và đoàn đông người, rất tiện cho khách du lịch để thưởng thức các đặc sản vùng núi Yên Tử.
Mua gì về làm quà
Măng trúc tươi Yên Tử: Nằm trên vùng núi cao, có khí hậu mát mẻ nên Yên Tử là nơi có nhiều măng trúc thơm và ngọt nổi tiếng. Nếu tới đây, bạn nên mua đặc sản măng trúc tươi về làm quà hoặc chế biến cũng các món xào, món canh để cả nhà thưởng thức. Các nhà hàng ở Yên Tử cũng đều có món ăn chế biến từ măng trúc, bạn nên ăn thử để hiểu rõ hương vị của đặc sản này nhé.
Dầu xoa bóp trầu tiên Yên Tử: Loại dầu này nổi tiếng dùng để xoa bóp các chỗ nhức mỏi xương khớp hoặc xoa thái dương khi bị đau đầu. Mùi hương của nó cũng khá đặc biệt, bạn có thể dùng thử trước khi mua ở các cửa tiệm chuyên bán dầu quanh Yên Tử.
Chả mực: Chả mực Quảng Ninh là đặc sản rất nổi tiếng và cũng được bán nhiều trên đường từ Yên Tử về. Bạn có thể mua chả sống, chả đã hấp hoặc chả rán sẵn để làm quà cho mọi người ở nhà. Đây thực sự là món chả rất hấp dẫn, vừa thơm vừa giòn, ăn rồi sẽ nhớ mãi.
Một số lưu ý khi đi du lịch Yên Tử
- Nếu bạn đi vào dịp lễ hội, khi mua vé cáp treo nên mua cả vé 2 chiều luôn vì mùa lễ hội có rất đông khách đến Yên Tử, mỗi lần xếp hàng mua vé đều rất lâu.
- Không nên mua đồ lưu niệm hoặc thuốc ở ven đường lên Yên Tử để tránh bị lừa hoặc bán giá đắt.
- Mang ít tiền mặt và cất tiền cẩn thận, đề phòng bị móc túi.
- Không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung.
- Đi bình tĩnh, lúc mệt thì dừng chân nghỉ, đừng cố quá sức vì đường lên Yên Tử rất dài, đi quá sức không nghỉ có thể dẫn đến ngất vì kiệt sức.
- Khi đến rừng tùng, đừng dẫm lên gốc cây. Đây đều là những cây tùng ngàn năm tuổi, được Phật Hoàng Trần Nhân Tông trồng khi tu hành. Nhiều câu rễ ăn lên cả mặt đất, nếu ai đi qua cũng dẫm vào thì chẳng mấy chốc rễ cây sẽ bị tổn thương mà chết.
- Đoạn đường lên chùa Đồng không có bậc thang mà chỉ có các bậc đá tự nhiên, bạn đi cẩn thận không sẽ bị trượt ngã, nhất là vào những ngày mưa.
Trên đây là những kinh nghiệm cho chuyến đi Yên Tử của bạn, nếu cần tư vấn chi tiết hơn hoặc mua vé máy bay đi Quảng Ninh, vui lòng liên hệ VietAIR - 1900.1796 để được hỗ trợ mua vé máy bay giá tốt.